0

Bạn có phải là người “có mới nới cũ”? | Safe and Sound

Khi bạn mua một cái case máy tính mới cứng với đầy đủ đèn led xanh đỏ tím vàng rồi bỗng chốc bạn nhận thấy những thứ xung quanh như chiếc bàn phím dần trở nên đơn điệu, lót chuột đã cũ kỹ hay chuột dây trông loằng ngoằng rồi bạn đâm đầu vào việc thay cũ đổi mới thì có lẽ bạn đã trở thành nạn nhân của hiệu ứng Diderot rồi đó. Hiệu ứng này giải thích cho việc sắm một cái mới rồi những thứ xung quanh bỗng mờ nhạt, như các cụ nói là “có mới nới cũ” đó. Hãy cùng chúng mình tìm hiểu nhé!

Tại sao lại có tên là hiệu ứng Diderot?

Nó được lấy theo tên của Denis Diderot – một nhà triết học nổi tiếng của Pháp - luôn ngập tràn trong nợ nần và nghèo khó, cho đến khi ông rao bán thư viện của mình để lấy tiền làm của hồi môn cho con gái. Khi đó Cathrine Đại đế, hoàng hậu của Nga, đã đề nghị mua thư viện với giá 1.000 bảng anh và cho ông quản lý thư viện đến hết đời, thậm chí trả luôn 25 năm tiền lương. Vào năm 1765 thì con số này tương ứng với khoảng 1,4 tỷ Việt Nam đồng hiện nay. Và bỗng nhiên, Diderot trở thành “nghìn phú”. Ông thưởng cho mình một món quà là chiếc áo choàng đỏ đẹp mê ly. Về nhà ông nhận thấy mọi thứ xung quanh như cũ kỹ hơn hẳn so với chiếc áo choàng. Là một người có tiền, ông điên cuồng lao vào mua sắm. Cho đến khi ông nhận ra một hiệu ứng tâm lý xuất hiện, cũng là lúc ông đứng trước bờ vực phá sản (lại một lần nữa…). Lần đầu tiên hiệu ứng này được Diderot mô tả trong tiểu luận “Sự hối tiếc về việc chia tay chiếc áo choàng cũ của tôi”. Trong tiểu luận ông có viết một đoạn như sau: “Tôi là chủ của chiếc áo khoác của tôi, nhưng tôi cũng trở thành nô lệ với món đồ mới này… Hãy cảnh giác với lây nhiễm của sự giàu có bất ngờ. Người nghèo sống dễ dàng vì không nghĩ đến, nhưng người giàu luôn chịu một sự căng thẳng nhất định”.

Vậy hiệu ứng này tác động đến chúng ta như thế nào?

Trước tiên, để hiệu ứng này có thể tác động đến người sử dụng thì chúng ta phải hiểu rằng người mua hàng coi hàng hóa là một phần trong bản sắc của họ, như chiếc iphone có thể làm họ trông sang hơn và người tiêu dùng luôn vung tiền để mua những chiếc iphone đời mới. Nói cách khác, người tiêu dùng và sản phẩm luôn bổ sung giá trị cho nhau.

Thứ hai, khi một sản phẩm đời mới về tay người tiêu dùng sẽ xuất hiện cảm nhận rằng những thứ phụ kiện đi kèm đã quá lỗi thời, một chiếc nồi vàng không thể sử dụng vung bạc để úp vào được. Và họ nỗ lực tạo ra một sự gắn kết mới giữa mình và sản phẩm bằng cách mua nhưng phụ kiện xịn sò hơn, đẹp hơn và trending hơn mặc dù những phụ kiện cũ vẫn còn dùng ngon lành. Quả đúng là “có mới nới cũ” phải không các bạn.

Ngoài ra, chúng ta luôn muốn một cuộc sống đầy ắp hơn nên thay vì đơn giản hóa, bỏ đi những thứ không cần thì chúng ta lại tích lũy, nâng cấp, bổ sung và xây dựng. Thế là những mặt đồ trùng công năng với nhau cứ mọc lên như nấm sau mưa vậy. Túm lại là hiệu ứng này mô tả hiện tượng tâm lý “Khi ta muốn và mua những thứ không thật sự cần thiết”

Làm cách nào để thoát khỏi hiệu ứng này?

Không gì tốt hơn bằng việc tránh cái thói quen mua sắm ngay từ đầu. Hãy hủy thông báo shopee, tiki hay lazada đi nếu bạn không muốn mua quá nhiều mặt hàng. Một số email của đơn vị quảng cáo cũng nên được chúng ta block lại. Tích cực gặp nhau ở công viên, quán café, các nơi vận động thể thao thay vì gặp nhau ở trung tâm thương mại bạn nhé.

Tiếp theo là mua các mặt hàng mà bạn cảm thấy phù hợp, không cần phải mua thứ gì quá mới nhá. Đôi khi mua đồ đã qua sử dụng, đồ renew 99% cũng là một ý tưởng không tồi. Nhưng cũng cẩn thận tránh bị lừa nha!

Đặt giới hạn cho bản thân, ghi trước số tiền sắm đồ trong tháng và tuân thủ nó nhá. Hãy ràng buộc cuộc sống của mình với một số giới hạn nhất định. Lâu dần nó sẽ tạo cho bạn một lối sống kỷ luật và không quá nuông chiều bản thân.

Cuối cùng là mua một tặng một. Không phải là săn sale đâu nha, khi bạn mua mới một thứ gì đó, hãy tặng đồ cũ đi. Như mua một chiếc máy tính mới, chiếc còn lại có thể tặng bớt để tránh việc tích lũy những đồ dùng không cần nhé. Khi bạn cho đi đồ cũ, bạn nhân lại niềm vui và sự thoải mái nữa đấy.

: Bạn có phải là người “có mới nới cũ”? | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound